Nga Mi (võ phái) – Wikipedia tiếng Việt
Nga Mi là tên gọi một môn phái võ thuật Trung Hoa ra đời tại núi Nga Mi và được truyền bá rộng rãi ở Tứ Xuyên. Là môn phái do nữ giới sáng lập và duy nhất chỉ có nữ giới chưa chồng mới được tiếp nhận chưởng môn. Người sáng lập ra phái Nga Mi là Quách Tương, con gái của Quách Tĩnh và Hoàng Dung.
Núi Nga Mi, cao 3.099 m, là một trong bốn ngọn núi danh thắng được gọi là Tứ đại Phật giáo danh sơn ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Đây cũng chính là ngọn núi xuất phát lịch sử võ thuật của một môn phái võ đã đi vào huyền thoại lịch sử võ thuật Trung Hoa mà cho đến nay không còn ai nghe thấy sự tồn tại của nó có hay không, hay chỉ là những lời đồn thổi vô căn cứ huyền hoặc và chỉ tồn tại trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, đó là võ phái Nga Mi, còn gọi là Nga Mi quyền hay Nga Mi công phu hay Nga Mi võ phái.
Theo các tài liệu văn bản được viết bằng tiếng Anh bởi người Trung Hoa [1][2], võ phái Nga Mi có nguồn gốc từ chùa Thiếu Lâm Tung Sơn, Hà Nam do các sư tăng của Thiếu Lâm đến núi Nga Mi hoằng dương Phật pháp vào khoảng từ triều nhà Đường và phát triển mạnh từ thời nhà Nguyên đến thời nhà Minh.
Cho đến nay nguồn gốc của Nga Mi võ phái vẫn chưa có ai biết được sư tổ sáng lập ra môn võ này là ai, có lẽ đây là môn phái có nhiều người sáng tạo trải qua nhiều thế hệ do tính chất phong phú đa dạng và không nhất quán về đường lối kỹ pháp của nó nhất trong các phái võ miền Bắc Trung Hoa.
Theo tài liệu của Giáo sư Vũ Đức ghi rằng:
- "Vào thời vua Minh Tuyên Tôn (1426) tại núi Nga Mi, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, võ phái Nga Mi được sáng lập, do nữ sáng tổ Chu Tú Anh, xuất thân từ dòng họ Chu gia giỏi võ, danh tiếng nhiều đời, tại tỉnh Sơn Đông, Hoa Bắc. Thuở nhỏ, vì cha mất sớm, hai anh em Chu Đức Kiệt và Chu Tú Anh được chú ruột, Chu Đức Võ Thượng Nhân, nuôi dưỡng và truyền dạy võ nghệ rất cẩn thận".
Trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trần Hữu Lượng lại nói rằng: Chính Quách Tương đã lập ra phái Nga Mi
Do kỹ pháp của Nga Mi chịu ảnh hưởng nhiều của lối luyện công Thiền đạo của Phật giáo nhiều hơn Phép đạo dẫn của Đạo gia nên võ phái Nga Mi được xem như là một chi phái trong hệ phái Thiếu Lâm và có một tên gọi khác nữa là Thiếu Lâm Nga Mi (Shaolin Emei).
Theo sách Ngô Việt Xuân Thu, viết bởi Triệu Diệp, đời Đông Hán, và theo các tài liệu ở Lạc Sơn và núi Nga Mi, phái Nga Mi đã bắt đầu xuất hiện từ thời nhà Tần. Tổ sư sáng lập tên thật là Tư Đồ Bạch, tự là Y Tam, lên núi Nga Mi để tu Đạo giáo, tu tiên và lấy pháp danh là Huyền Không, hiệu là Động Linh Tử. Sau nhiều năm liền quan sát loài vượn trắng trên núi này, ông sáng tạo ra 1 pho võ công gọi là Bạch Viên thông tí quyền, hay đời sau gọi là Nga Mi thông tí quyền, và 1 pho kiếm pháp gọi là Bạch Viên kiếm pháp. Ông hay mặc áo trắng, tập võ vượn nên được gọi là Bạch Viên công (ông già vượn trắng), đệ tử Nga Mi sau này hay gọi là Bạch Viên tổ sư.
Trong văn học[sửa | sửa mã nguồn]
Sự tồn tại của Nga Mi Võ Phái đã được nhà văn Kim Dung thổi phồng lên trong bộ tiểu thuyết Ỷ Thiên Đồ Long Ký, cho rằng võ lâm Trung Hoa có ba phái lớn là Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga Mi độc lập với nhau về mặt kỹ pháp và luyện công và sư tổ sáng lập ra Nga Mi võ phái là Quách Tương, con gái của Quách Tĩnh và Hoàng Dung.
Các chưởng môn trong tiểu thuyết Kim Dung:
- Quách Tương
- Phong Lăng sư thái
- Diệt Tuyệt sư thái
- Chu Chỉ Nhược
Theo các tài liệu tiếng Anh của người Trung Hoa viết và một số tài liệu được cho là của Giáo sư Vũ Đức thì Nga Mi Võ Phái có 5 lưu phái và 8 bộ môn quyền thuật [3].
5 lưu phái của Nga Mi:
- Hoàng Lăng Phái (Huangling Pai): Nguyên được truyền từ tỉnh Thiểm Tây vào.
- Điểm dị phái (Dianyi Pai): Được mang tên từ Điểm Dị động thuộc Bồi Lăng,thịnh hành tại vùng phía đông Tứ Xuyên.
- Thanh Thành phái (Qingchen Pai): Được mang tên từ thắng cảnh Thanh Thành, thịnh hành tại vùng phía đông Tứ Xuyên.
- Thiết Phật phái (Tiefo Pai hay Iron Buddha): (còn gọi là Vân Đỉnh phái), thịnh hành tại vùng phía bắc Tứ Xuyên.
- Thanh Ngưu phái (Qingniu Pai hay Black Cow): lấy tên từ núi Thanh Ngưu, thuộc phía đông Tứ Xuyên.
Về hệ thống quyền thuật thì có 8 bộ môn quyền thuật - còn gọi là "Bát Diệp"
- Tăng môn (Zhen Men): theo truyền thuyết của võ phái thì đây là tên từ một nhà sư Thiếu Lâm, còn có tên khác là "Thâm môn". Đặc trưng kỹ pháp là: khéo léo (xảo), biến ảo (diệu), uyển chuyển (linh, hoạt), liên tục không ngừng (động).
- Khưu môn (Yue Men): Do Nhạc Phi truyền, có đặc điểm là các thế tấn hạ trọng tâm xuống (trang thấp), các chiêu thức thủ pháp thường chuyển động theo đường tròn tạo ra lực ly tâm.
- Triệu môn (Zhao Men): Có lời tương truyền rằng hệ phái này do Tống thái tổ Triệu Khoang Âm (Triệu Khuông Dẫn) truyền, có nhiều đặc điểm phong cách và quyền pháp của Trường quyền Thiếu Lâm (cũng do Triệu Khoang Âm truyền), do chủ yếu luyện Hồng quyền nên còn được gọi là "Hồng Môn". Sau này Hồng Môn có tham gia lập bang hội gọi là Hồng Bang Hội trong phong trào phản Thanh phục Minh và tự xưng là Hồng quyền khiến cho nhiều người lầm lẫn với Hồng Gia Quyền của Hồng Hy Quan ở Quảng Đông.
- Đỗ môn (Du Men): Theo truyền thuyết được lấy tên từ trận đồ "Đỗ môn" của Gia Cát Lượng, cho rằng quyền pháp truyền cho Đỗ Quan Ấn -Tự Nhiên Môn, có đặc điểm là quyền pháp nghiêm ngặt và kín đáo (phong tỏa cẩn mật), chủ về phòng thủ (lấy thủ chế công).
- Hồng môn (Hong Men): Theo lời truyền tụng dân gian được lấy tên từ niên hiệu Hồng Võ Diên Niên của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Chủ yếu luyện Đại Hồng Quyền, Tiểu Hồng Quyền của Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam, chú trọng cương kình dũng mãnh, thế quyền nhanh mạnh, bộ pháp vững chãi và rất linh hoạt.
- Hóa môn (Hua Men): Có tên khác là ‘Tàm bế môn", bao gồm 36 tuyệt đỉnh kỹ pháp thi triển bế thủ như tằm nhả tơ y hệt như Thái cực quyền có yếu lý "vận kình như trừu ty" (vận dụng kình lực như kéo sợi tơ) và "tương liên bất đoạn" (liên tục không ngừng), đòn đánh chủ yếu lại thường khóa tay đối thủ như Cầm nã Thủ pháp của Thiếu Lâm, không cho đối thủ thi triển các chiêu thức thủ pháp (đòn tay).
- Tự môn (Zi Men): Còn gọi là "Trí môn", do thế quyền khi kết thúc bài thu thức thường thành hình chữ "Chi" hoặc chữ "Nhất" nên có tên là Tự môn, đặc điểm là các tư thế tấn thường không hạ trọng tâm thấp xuống (cao trang) và các chiêu thức thường đánh xa và dài (trường thủ).
- Hội môn (Hui Men): Có tên là "Tuệ môn", lấy Thần quyền bắt quyết để thi triển công phu, chú trọng đến vẻ ngoài hình thức (quan sư mạc tượng), niệm chú, bề ngoài trông rất thần bí.
Tài liệu của Giáo sư Vũ Đức có chú giải thêm như sau:
"... Theo như ghi chép trong "Nga Mi quyền phổ" thời Thanh thì quyền thuật Nga Mi là:
- "Nhất thụ khai ngũ hoa,
- Ngũ hoa bát diệp phù,
- Giao giao Nga Mi nguyệt,
- Quang huy mãn giang hồ".
"Ngũ mai" ở đây là chỉ 5 đại chi phái của Nga Mi... "Bát diệp" là nói đến tám loại quyền thuật của Nga Mi..."
Quyền pháp Nga Mi rất phong phú do có sự tích hợp các loại quyền thuật của Thiếu Lâm và Võ Đang Phái nên có đầy đủ các loại tượng hình quyền như Long, Xà, Hổ, Báo, Hạc, Phụng, Quy, Đường Lang, Hầu... và Bát Quái Chưởng, Hình Ý Quyền.
Trong hệ quyền Nga Mi có các thế tấn (bộ hình) chủ yếu như: hư bộ giống như chảo mã tấn của Thiếu Lâm, trường sơn bộ (thác bộ) như cung bộ (còn gọi là đinh tấn) của Thiếu Lâm.
Bộ pháp di chuyển chủ yếu có: xà hình bộ (chi tự bộ) di chuyển như rắn bò hình chữ chi tiến về phía trước y hệt như thế tấn tam giác bộ của Bạch Mi Quyền do Bạch Mi đạo nhân thời nhà Thanh sau này sáng tác; tiễn bộ (tiễn là cắt hay (nhảy) bắn về phía trước hoặc phía sau) tức hoàn khiêu bộ (nhảy đổi); thỏ tử bộ (bước thỏ) như sau: chân trước bước lên trước, chân sau bước lên một bước thống nhất (chụm hai chân vào cùng một vị trí), chân trước lại lên trước một bước, tức là loại bộ pháp ba bước như trên liền nhau; thoa bộ (bước thoi đưa) di chuyển tới lui liên tiếp; lưỡng tính bộ (bước hai chân ngang nhau) tiến về phía trước hay phía ngang hông; v.v…
Thân pháp yêu cầu lên xuống như làn sóng giống nguyên lý "phù trầm thôn thổ" (hụp xuống trồi lên khi di chuyển tới lui) của Bạch Mi Quyền, uyển chuyển luồn lách như rắn bò, có thôn, thổ, phù, trầm, đằng, thiểm, toản v.v… (nghĩa là có nuốt, nhả, nổi, chìm, lăng, né, chọc v.v…) thể hiện đặc điểm "quyền rắn luyện nhu" có đầy đủ yếu tố nhanh chậm cương nhu.
Trong Đấu pháp thì Phép đánh có điểm, bàn, quan, đề (điểm, xoay, đóng, nâng) y hệt nguyên lý vận động của Thiếu Lâm như nâng, đè, kéo, đẩy, chấn, điểm, cản (bế), phức (phóng).
Đặc trưng quyền pháp là động tác nhỏ biến hóa lớn, lấy nhu khắc cương (dĩ nhu chế cương), mượn sức dùng sức (của địch) như nguyên lý "dẫn tiến lạc không" (đưa kẻ địch vào chỗ hư không) của Thiếu Lâm và nguyên lý "không vận sức mới vận sức tận lực" và "dụng ý bất dụng lực" của Vịnh Xuân Quyền, hay như nguyên lý "tứ lượng bát thiên cân" (bốn lạng đỡ ngàn cân) của Thái cực quyền. Khi công thủ thì lấy cánh tay lăn áp tới sau quyền, thuận thế trước công vào, mượn sức phản kích phản công địch trên cùng trung tâm tuyến, xông thẳng và leo vào trực diện trên đường thẳng tấn công của đối phương. Đòn đánh gây tử vong có phép điểm huyệt, phép cầm nã bẻ tay chân đối phương, …
Về phong cách quyền pháp thể hiện có tính nghiêm ngặt, chặt chẽ của Thiếu Lâm và tính khoáng đạt của Thái cực quyền và Võ Đang Phái, nghĩa là có tính nghiêm trang của Phật gia và phong thái ung dung tự tại của Đạo gia. Thế quyền vận động rất bay bổng như Trường Quyền của Bắc Thiếu Lâm trông rất mỹ cảm và lả lướt, ngoạn mục. Phong thái đa dạng biến ảo hư hư thực thực cho nên các môn đồ của Nga Mi Quyền có danh tiếng là lai vô ảnh, khứ vô hình (đến thì không có hình thù nhân dạng, đi cũng không để lại dấu vết), mờ mờ ảo ảo, đi mây về gió, không biết rõ là môn quyền của tông phái nào, đặc trưng của môn phái nào cũng có đầy đủ cả.
- Khí Công Toàn Thư - Hoàng Vũ Thăng, Nhà Xuất Bản Thể dục Thể thao, Hà Nội ngày 24 tháng 03 năm 2005 - Nhà sách Hoa Niên số 494 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh phát hành quý 2 năm 2005
- Kiến Thức Tổng Hợp Về Khí Công Trung Hoa - Hoàng Vũ Thăng, Nhà Xuất Bản Thể dục Thể thao, Hà Nội ngày 12 tháng 11 năm 2002 - Nhà sách Hoa Niên số 494 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh phát hành tháng 01 năm 2004
- Khí Công - Tự Chữa Bệnh, Dưỡng Sinh - Hoàng Vũ Thăng, Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, ngày 15 tháng 01 năm 1999 - Nhà sách Hoa Niên số 494 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh phát hành tháng 04 năm 1999
- Ngô Việt Xuân Thu, Triệu Diệp, đời Đông Hán, viết
0 comments: