Bát quái chưởng – Wikipedia tiếng Việt
Theo nhiều thuyết lưu truyền trong dân gian và giới võ thuật Bát quái chưởng (bính âm: Bāguàzhǎng, romaji: Hakkeshou) hay Bát quái quyền là một trong ba phái thuộc Nội gia Nam phái. Hai phái còn lại là Thái cực quyền và Hình ý quyền[1]. Chúng đều có nguồn gốc từ Võ Đang phái.
Bát quái chưởng còn được gọi bởi những tên như: Du thân bát quái chưởng; Long hình bát quái chưởng; Bát quái liên hoàn chưởng hay Bát phó du thân chưởng.
Trong tác phẩm Bát Quái chưởng của Tùng Điền Long Trí, bản dịch của Hồ Tiến Huân, Nhà Xuất Bản Thể dục Thể thao xuất bản năm 2005, thì Bát Quái chưởng được lưu truyền khắp vùng Sơn Đông và Hà Nam thuộc lưu vực sông Hoàng Hà miền Bắc Trung Quốc. Do vậy thuyết cho rằng Bát Quái chưởng thuộc trong ba môn Thái Cực quyền, Hình Ý quyền, Bát Quái chưởng của dòng võ phái Nội Gia quyền Nam phái là do người đời sau thêm bớt và sai sự thật về nguồn gốc phát tích của nó.
Tuy nhiên, Võ Đang phái của đạo sĩ Trương Tam Phong tương truyền rằng cũng có Bát Quái chưởng do ông sáng tạo. Đây lại là một trường hợp khác nữa không thể gộp vào khái niệm danh từ Nội Gia quyền.
Về danh từ Nội Gia quyền, trong giới quyền thuật đã dấy lên phẫn nộ khi có thuyết cho rằng các môn võ thuộc Thiếu Lâm là Bắc phái Ngoại Gia Quyền, còn các môn Thái cực quyền, Hình Ý Quyền, Bát Quái chưởng là thuộc hệ thống Nam phái Nội Gia Quyền.[2]
- Thế nào là Nội Gia Quyền? Có thuyết giải thích rằng Thái cực quyền, Hình Ý Quyền chẳng hạn gọi là nội gia vì chủ luyện bên trong về nội khí và tâm ý nên không lộ hình ra ngoài. Cách giải thích đã bị bác bỏ vì có phản biện rằng vậy 13 quyền lộ và các giá thức của Thái cực quyền là gì vậy sao cứ lồ lộ ra ngoài cho người ta thấy.
- Thế nào là Ngoại Gia Quyền? Cũng trong thuyết trên giải thích rằng vì đó là các bộ môn chủ về cương kình ngoại dương cường tráng vẻ ngoài thân thể và các bộ hình (di chuyển). Cách giải thích này cũng bị bác luôn khi có phản biện rằng nếu nói vậy Thiếu Lâm chỉ là ngoại công hay ngạnh công mà không có nội công (công phu vận nội khí bên trong).
Danh từ Bát quái được rút ra từ Kinh Dịch, tạm hiểu là sự biến động truyền điệu trong tám phương hướng. Vì vậy kỹ thuật chính yếu của Bát quái chưởng chuyên dùng bộ pháp và chưởng pháp làm trung tâm vận chuyển, biến hóa không ngừng trong vị thế bốn phương tám hướng.
Nguồn gốc Bát quái chưởng vẫn chưa được xác định.
Sách "Lam Triều Ngoại sử" có ghi: "Vào năm 1798, triều Thanh vua Gia Khánh năm thứ hai, ở huyện Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, miền Hoa Bắc, Vương Tường Giáo có theo học quyền pháp của Phùng Khắc Thiện và được vị sư phụ này truyền dạy tận tâm.
Đến mùa xuân Canh Ngọ (năm Gia Khánh thứ 15), Ngưu Lương Thần theo học quyền pháp này với Phùng Khắc Thiện và nhận thấy quyền pháp có tám phương bộ nên gọi là Bát Quái.
- Ngưu Lương Thần hỏi: "Bộ pháp của ông tương tự Bát Quái".
- Khắc Thiện đáp: "Sao ông biết?"
- Ngưu Lương Thần: "Trước đây tôi có tập quẻ khảm"
- Khắc Thiện: "Tôi học quẻ ly".
- Ngưu Lương Thần: "Ông biết quẻ ly, tôi biết quẻ khảm, hai người đổi cùng với nhau, thế thì sẽ ra sao ?"
Hai môn Bát Quái Chưởng này thật không biết có điểm khác biệt hay giống nhau không, nhưng trong thời gian Phùng Khắc Thiện học Bát Quái Chưởng của Vương Tường là năm mà Đổng Hải Xuyên ra đời.
Từ đó, môn Bát quái chưởng được lưu truyền cho đến nay đã hơn trăm năm." Đến đời vua Thanh Quang Tự thứ sáu (1881), môn Bát Quái chưởng phát triển cực thịnh khắp Trung Hoa, nhất là ở Bắc Kinh và các vùng phía Bắc Trung Hoa thuộc lưu vực sông Hoàng Hà.
Sách Bát Quái Chưởng của Tùng Điền Long Trí có cách giải thích rằng, "... Trong Dịch Kinh có thuyết "Vô cực sinh Thái cực, Thái cực sinh Lưỡng nghi (phân âm dương), Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái lại biến hóa ra 64 hào quẻ", theo thuyết này, Bát Quái Chưởng cũng có thuyết "Tám chưởng biến hóa thành tám nhân tám bằng sáu mươi bốn chưởng"..."
Có nhiều vị tiền bối và nhiều lưu phái khác biệt nhau về Bát quái chưởng.
Đổng Hải Xuyên (董海川 - Dong Haichuan) (1798 – 1879), người sống vào thời vua Càn Long nhà Thanh tại Chu Gia Vụ, huyện Văn An, tỉnh Hà Bắc trong một lần đi Giang Nam đã lạc đường tại núi Tuyết Hoa và đã học được môn Bát Quái Chưởng và Hà Đồ, Lạc Thư từ một đạo sĩ ở miền núi.
Đổng Hải Xuyên rất giỏi và nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh, được xem như một chưởng môn về Bát quái chưởng, có nhiều học trò nổi tiếng như Sử Lập Khanh, Lưu Phụng Xuân, Lương Chấn Tấn, Trương Triệu Đông, Tống Trường Vinh, Mã Quý, Vi Phước, Trịnh Đình Hoa, Tống Vĩnh Tường, Mã Duy Kỳ, Ngụy Cát, Lý Văn Bảo, Doãn Phúc, Lý Tồn Nghĩa,....
Tương truyền rằng Đổng Hải Xuyên sau khi học Bát Quái Chưởng với vị đạo sĩ kia xong đã đi đến Bắc Kinh làm hoạn quan trong phủ của Tiêu Thân Vương, một vị hoàng thân quốc thích trong triều rất ham mê xem các trò lưu diễn võ thuật trong dân gian. Trong một lần mừng thọ Tiêu Thân Vương, do không chen nổi với đám đông trong phủ để dâng trà mừng thọ Thân Vương, Đổng Hải Xuyên đã lùi lại phóng qua đầu đám đông để dâng trà cho vị Thân Vương kia. Sự kiện này đã làm cả phủ và Tiêu Thân Vương bái phục và vui mừng, nhưng ông đã bị viên Hộ vệ trong phủ thách đấu và chiến thắng thần tốc. Tiêu Thân Vương thấy thế bèn phong cho ông làm Tổng Hộ vệ phủ Thân Vương và đảm nhiệm thêm chức giáo đầu dạy võ trong phủ. Từ đó danh tiếng của Bát Quái Chưởng đã lưu truyền khắp ra ngoài khu vực Bắc Kinh.
Về sau, Đổng Hải Xuyên kết bạn với danh thủ Quách Vân Thâm của môn Hình Ý Quyền, sau trận thử thách ngang tài. Hai người kết hợp hai môn cùng dạy cho các học trò. Trong số các học trò của Đổng Hải Xuyên có Trịnh Đình Hoa rất giỏi, nổi tiếng ở Hoa Bắc. Trịnh Đình Hoa có học trò giỏi nhất là Tôn Lộc Đường sau này học thêm Thái cực quyền với Hác Vi Trinh ở Bắc Kinh và lập ra trường phái Thái cực quyền Tôn Gia Giá thức.
Hệ thống biểu trưng về quyền lý[sửa | sửa mã nguồn]
Các quẻ biểu trưng:
- Càn: Tây Bắc, hiện tượng trên trời
- Khảm: Bắc, nước
- Cấn: Đông Bắc, núi
- Chấn: Đông, sấm sét
- Tốn: Đông Nam, gió
- Ly: Nam, lửa
- Khôn: Tây Nam, đất
- Đoài: Tây, đầm lầy
Kỹ thuật tấn công và phòng thủ của Bát Quái Chưởng được khái quát trong 12 chữ mà người học phải mất rất nhiều thời gian để đạt được hết 12 yếu quyết này:
- Thủ pháp: Cổn, Toàn, Tranh, Lý.
- Thân pháp: Ninh, Triền, Tẩu, Triển.
- Bộ pháp: Khởi, Lạc, Bài, Khấu.
Trong Bát Quái Chưởng, phần Sáo Lộ - tức các bài quyền - rất là quan yếu, nhất là đối với những người mới theo học quyền thuật để nắm vững các kỹ thuật nền tảng ngõ hầu sau này mới có thể hiểu sâu về những điều tinh diệu trong Bát Quái Chưởng.
Về kỹ thuật Bát Quái chưởng, sách "Bát Quái Quyền Học" của Tôn Lộc Đường có ghi: "Trong Du Thân Bát Quái Liên hoàn chưởng có chưa mười tám đường La Hán Quyền, gồm bảy mươi hai tuyệt thoái, 72 ám cước, đến như các môn điểm huyệt, kiếm thuật, và các môn võ khí cũng chứa trong Bát Quái Quyền."
Do đó, về hình thức môn Bát Quái chưởng rất giống như các quyền thuật ngoại gia Bắc phái, nhưng đặc điểm chuyên dùng bộ pháp tròn Hoán Hành, và thay đổi tay Hoán Chưởng làm chính tông, được gọi là "Du Thân Bát Quái" gồm có ba loại: thượng bàn, trung bàn, và hạ bàn.
Bộ pháp Hoán Hành trong Bát quái chưởng là một loại quyền pháp di chuyển trên một hình tròn vẽ theo đồ hình Thái cực hình chữ S ngược theo nguyên lý Kinh Dịch là Thái Dương sinh thiếu âm, thái âm sinh thiếu dương, trong phần màu đen lớn trong hình tròn chính là thái âm có một chấm trắng chính là thiếu dương, trong phần màu trắng lớn trong hình tròn chính là thái dương có một chấm đen chính là thiếu âm. Đồ hình này biểu thị sự vận động không ngừng của vũ trụ theo quy luật âm dương liên tục mà triết học hiện đại sau này gọi là Biện chứng pháp hai nhịp của triết học phương Đông cổ đại quan niệm về sự vận động của vũ trụ chỉ trong một quy trình khép kín đơn giản từ âm sang dương và ngược lại. Sự vận động theo quan niệm này là không có bắt đầu và không có kết thúc (Vô thủy vô chung).
Thủ pháp Hoán chưởng cũng có một kiểu vận động y như bộ pháp, nghĩa là chuyển động theo những đường tròn bất tận vô thủy vô chung (không có bắt đầu và không có kết thúc).
Trong Bát Quái chưởng các thế thượng bàn đã thấp, trung bàn và hạ bàn còn thấp hơn. Trong lúc xoay chuyển bộ pháp dùng rất hẹp và nhanh nhẹn, với dụng ý né tránh thế công của địch, để phản kích vào mặt sau lưng của địch. Trong lúc đối địch, thân và ý phải chuyển động nhưng khí phải trầm. Các động tác về tay gồm có thập chưởng, đơn hoán chưởng, dùng để biến chuyển phối hợp với bốn bộ pháp linh động.
Trong thập chưởng, đơn hoán chưởng và song hoán chưởng làm gốc, còn lại là tám chưởng chủ yếu. Bốn bộ pháp gồm có: Khởi, Lạc, Khấu và Bài. Nhằm rèn luyện cho thân thủ được nhanh nhẹn, kỹ thuật của Bát Quái gồm có bốn đặc điểm như sau: Nhất Tẩu (chạy, bước lẹ), Nhị thị (trông, nhìn thấy rõ ràng), Tam Tọa (xuống bộ, ngồi thấp), và Tứ Phiên (nhà lộn, thoát ra khỏi).
Yếu lý quyền pháp[sửa | sửa mã nguồn]
Yếu lý quyền pháp là phần lý thuyết của các bộ môn quyền thuật nào cũng cần phải có mà ngày nay về mặt phương pháp luận (Methodology) ta gọi là phần cơ sở lý luận trong các bộ môn khoa học hiện đại. Võ học Trung Hoa luôn có các lý luận đặc trưng và đây là nét độc đáo của các môn võ phương Đông khác phương Tây.
Các yếu lý Bát Quái Chưởng là như sau:
- Thuận hạng đề đỉnh, lưu đồn thâu khang: Đầu cổ phải luôn ngay thẳng không nghiêng ngả, nhíu thắt cơ hậu môn và giấu mông vào, luôn điều khiển hông di chuyển trong khi luyện.
- Tung kiên trầm trửu, thực phúc thưởng hung: Hai vai phải thả lỏng buông xuống không được để nhô lên, hai cùi chỏ cũng phải hạ thấp xuống che hai bên sườn. Phải thả lỏng cơ bụng và thở bằng bụng (không thở ngực) để cho khí lực trầm xuống cho thế tấn vững vàng.
- Cổn toàn tranh lý, kỳ chính tương sinh: Khi vận động tay quyền, thủ pháp phải luôn vận động theo đường xoáy trôn ốc để tạo ra lực hút theo hướng trong ngoài liên tục và hỗ tương nhau giữa hai tay.
- Long hình hầu tướng, khổ tọa ưng phiên: Khi di chuyển quyền thế phải luôn giữ tự nhiên như du long (rồng đi) và tướng hình phải nhanh và linh hoạt như khỉ, lúc đứng thì không thẳng đầu gối và xoay chuyển thân người phải như chim ưng chao liệng nhẹ trên trời.
- Ninh toàn tẩu chuyển, đăng cước ma kinh: Các khớp xương phải luôn vận động theo hình xoắn vào nhau để tạo lực, khi di chuyển thì phải chân sau đạp nhanh theo chân trước trông như chạy.
- Khúc khoái thượng nê, túc tâm hàm không: Khi di chuyển hai chân phải luôn ở độ cong thích hợp, không nâng bàn chân cao quá khi bước mà cũng không lê bàn chân trên mặt đất, bàn chân phải hơi cong tạo chỗ lõm giữa bàn chân khi di chuyển, ngón chân luôn bấu xuống mặt đất.
- Khởi bình lạc khấu, liên hoàn tung hoành: Khi chân ở trên cao thì bàn chân phải để mặt bàn chân nằm ngang bằng phẳng, khi hạ xuống thì bàn chân phải cong lại bấu ngón chân xuống đất.
- Yêu như trụ lập, thủ dĩ luân hành: Eo lưng là nơi điều khiển tay chân và tạo lực phối hợp.
- Chỉ phân chưởng ao, bài lặc bình kiên: Năm ngón tay luôn mở ra không bao giờ khép chặt, hai vai và thân hình luôn ngay ngắn khi di chuyển.
- Trang như sơn nhạc, bộ tự thủy trung: Bộ tấn phải vững vàng nhưng không nặng nề mà cũng không nhẹ nhàng khi di chuyển.
- Hỏa thượng thủy hạ, thủy trọng hạ khinh: Nội ngoại tương hợp, trên dưới thuận hòa, cương nhu nặng nhẹ tương tế và bổ trợ cho nhau.
- Ý như phiêu kỳ, hựu tự điểm đăng: Tâm ý là chủ của quyền pháp và thủ túc (chân, tay) được dùng để điều khiển quyền thức.
- Phúc nải khí căng, khí tự vận hành: Hơi thở hít vào phải căng đầy nhưng sâu, dài, nhẹ nhàng và êm ái.
- Ý động sinh tuệ, khí hành bách khổng: Dùng tâm ý điều khiển quyền pháp và tạo sự nhanh nhạy cho quyền thức.
- Triển phóng thu khẩn, động tĩnh viên tranh: Khai - hợp, tán - tụ, ra - vào... phải liên tục phối hợp.
- Thần khí ý lực, hợp nhất tập trung: Ý, khí, lực và thần thái phải hợp nhất với thân xác và chân tay tạo độ nhạy cho quyền pháp.
- Bát chưởng chân lý, cụ tại cử trung: Tất cả những điều trên nếu ai lĩnh hội được thì coi như đã hấp thu được chân lý tinh diệu của Bát Quái Chưởng.
Quyền lộ[sửa | sửa mã nguồn]
Bát Quái Chưởng của Cung Ngọc Điền truyền cho Lưu Vân Tiêu:
- Đơn Hoán Chưởng.
- Song Hoán Chưởng.
- Triển Thân Chưởng.
- Phiên Thân Chưởng.
- Tam Xuyên Chưởng.
- Bối Thân Chưởng.
- Song Tràng Chưởng.
- Dao Thân Chưởng.
Bát Quái Chưởng của Trình Hữu Long truyền cho Tôn Tích Phương:
- Đơn Hoán Chưởng.
- Song Hoán Chưởng.
- Thuận Thức Chưởng.
- Song Thân Chưởng.
- Phiên Thân Chưởng.
- Ma Thân Chưởng.
- Tam Xuyên Chưởng.
- Hồi Thân Chưởng.
Bát Quái Chưởng của Trình Đình Hoa truyền cho Tôn Đường:
- Càn Quái Sư Hình Chưởng.
- Khôn Quái Lân Hình Chưởng.
- Khảm Quái Xà Hình Chưởng.
- Ly Quái Dao Hình Chưởng.
- Chấn Quái Long Hình Chưởng.
- Cấn Quái Hùng Hình Chưởng.
- Tốn Quái Phụng Hình Chưởng.
- Đoài Quái Hầu Hình Chưởng.
Các bài bổ trợ bao gồm: Bát Quái Thoái Quyền, Thập Nhị Chuyển Trửu, Hậu Thiên Thập Lục Tứ Thức, Thất Thập Nhị Ám Cước, Thất Thập Nhị Tiệt Thoái, Bát Quái Ngạnh Thủ Quyền,...
- ^ Lưu ý: có một phái võ cũng mang tên Hình ý quyền nhưng có nguồn gốc từ Bắc Thiếu Lâm khác Hình Ý quyền sau này của Võ Đang phái.
- ^ Xin xem tác phẩm Thái cực quyền Toàn Thư của Hồng Lĩnh, Nhà Xuất Bản Thể dục Thể thao Hà Nội xuất bản năm 2003 là tái bản lại nguyên bản của Nhà Xuất Bản Tủ Sách Võ thuật Hồng Lĩnh tại Sài Gòn trước năm 1975.
- Thái cực quyền Toàn Thư - Hồng Lĩnh biên soạn, Nhà Xuất Bản Thể dục Thể thao Hà Nội xuất bản năm 2003
- Thái cực quyền Toàn Tập, Nguyễn Anh Vũ sưu tập và biên dịch, võ sư Đặng Phong hiệu đính, Nhà Xuất Bản Đồng Nai xuất bản năm 2001.
- Bát Quái Chưởng, nguyên tác Tùng Điền Long Trí, dịch giả Hồ Tiến Huân, Nhà Xuất Bản Thể dục Thể thao Hà Nội xuất bản năm 2005
- Bát Quái Chưởng, Giáo sư Hàng Thanh sưu tập và biên soạn, Nhà Xuất Bản Tủ Sách Võ thuật xuất bản năm 1973 tại Sài Gòn.
Wikimedia Commons có thư viện hình ảnh và phương tiện truyền tải về Bát quái chưởng |
0 comments: